ƠN GỌI MỌI NGƯỜI NÊN THÁNH - ĐTC Phanxicô (19/11/2014)
Một món quà lớn của Công đồng chung Vatican 2 là đã phục hồi
quan niệm về Giáo Hội dựa trên tình hiệp thông và cũng đã đặt lại nguyên tắc
quyền bính và phẩm trật trong viễn tượng ấy. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn
rằng tất cả mọi Kitô hữu, trong tư cách là những người đã chịu phép rửa, đều có
cùng phẩm giá trước mặt Chúa và có chung cùng một ơn gọi đó là ơn gọi nên thánh
(Xc LG 39-42). Giờ đây chúng ta tự hỏi: ơn gọi tất
cả mọi người nên thánh hệ tại điều gì? và làm sao chúng ta thực hiện ơn gọi ấy?
1. Trước tiên chúng ta phải ý thức rõ rằng sự thánh thiện không
phải là cái gì chúng ta tự tìm cho mình, hoặc là điều chúng ta đạt được nhờ
những đức tính và khả năng của chúng ta. Sự thánh thiện là một hồng ân, là món
quà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, khi Chúa nhận lấy chúng ta, làm cho chúng ta
được mặc lấy Ngừơi, cho chúng ta được trở nên như Người. Trong thư gửi tín hữu
Ephêso, thánh Phaolô Tông Đồ khẳng định rằng ”Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội
và đã hiến mình vì Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh” (Ep 5,25-26). Quả
thực sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của Giáo Hội: đó là sự tái khám
phá mình trong tình hiệp thông với Thiên Chúa, trong cuộc sống và tình yêu sung
mãn của Chúa. Vì thế, chúng ta hiểu rằng sự thánh thiện không phải chỉ là đặc quyền
của vài người: sự thánh hiện là một hồng ân đưcơ trao tặng cho tất cả mọi
người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô
hữu.
2. Tất cả những điều ấy làm cho chúng ta hiểu rằng, để nên
thánh, không nhất thiết phải là giám mục, linh mục hay tu sĩ.. Tất cả chúng ta
được kêu gọi nên thánh! Bao nhiêu lần chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng sự thánh
thiện chỉ dành những người có khả năng xa rời những công việc thường nhật, để
hoàn toàn chuyên chăm cầu nguyện. Nhưng không phải như vậy! Có người nghĩ thánh
thiện là nhắm mắt, nét mặt như trên tấm ảnh các thánh. Nhưng không phải như
thế, thánh thiện là điều cao cả, sâu xa hơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta!
Đúng hơn, chính nhờ sống chứng tá Kitô của mình, trong những công việc bận bịu hằng
ngày với tình yêu thương và chứng tá Kitô mà chúng ta được mời gọi nên thánh.
Và mỗi người, trong hoàn cảnh và bậc sống của mình. Nếu là người thánh hiến,
thì hãy nên thánh bằng cách vui sống sự tận hiến và sứ vụ của mình. Nếu bạn là
người kết hôn, thì hãy nên thánh trong sự yêu thương và chăm sóc chồng hoặc vợ
mình, như Chúa Kitô đã làm với Giáo Hội. Nếu bạn là tín hữu không kết hôn, thì
hãy nên thánh bằng cách chu toàn công việc của mình trong sự lương thiện và khả
năng chuyên môn và dành thời gian để phục vụ anh chị em mình.
Có người vặn lại: ”Nhưng thưa cha, con làm việc trong một hãng
xưởng.. con làm kế toán viên, với toàn những con số, ở đó con không thể nên
thánh được...”. Có chứ, bạn có thể nên thánh tại nơi bạn đang làm việc. Thiên
Chúa ban cho bạn ơn nên thánh. Thiên Chúa hiệp thông với bạn”. Mỗi ngày ta có
thể nên thánh, nghĩa là cởi mở đón nhận ơn thánh, biến đổi chúng ta từ bên
trong và dẫn đưa chúng ta đến sự thánh thiện.
Nếu bạn là người cha mẹ hoặc là ông bà nội ngoại, thì hãy nên
thánh bằng cách hăng say dạy cho các con các cháu biết và theo Chúa Giêsu. Và
điều này đòi nhiều kiên nhẫn, để trở thành cha mẹ tốt, ông bà tốt, và việc nên
thánh đến trong sự kiên nhẫn ấy, thực thi đức kiên nhẫn. Bạn là giáo lý viên,
là nhà giáo dục hay người thiện nguyện ư? Hãy nên thánh bằng cách trở thành dấu
chỉ hữu hình về tình thương của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài cạnh chúng
ta. Vì thế, mỗi bậc sống đều dẫn đến sự thánh thiện. Ở nhà, trên đường, trong
công việc, tại nhà thờ. Anh chị em đừng nản chí trên con đường nên thánh. Chính
Thiên Chúa ban ơn thánh cho bạn. Điều duy nhất mà Chúa yêu cầu, đó là chúng ta
ở trong tình hiệp thông với Chúa và phục vụ anh chị em mình.
3. Về điểm này, mỗi người chúng ta có thể xét mình một chút, để
xem cho đến nay ta đã đáp lại lời mọi gọi nên thánh của Chúa như thế nào? Khi
Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Ngài không gọi chúng ta thi hành cái gì nặng
nề, buồn thảm.. Thực tế hoàn toàn khác hẳn! Đó là lời mời gọi chia sẻ niềm vui
của Chúa, sống và vui mừng dâng hiến mỗi lúc trong cuộc sống chúng ta, đồng
thời biến nó thành một món quà yêu thương cho những người ở cạnh chúng ta. Nếu
chúng ta hiểu điều đó, thì tất cả đều thay đổi và có một ý nghĩa mới, bắt đầu
bằng những điều nhỏ bé mỗi ngày.
Một bà đi chợ để mua đồ ăn và thấy một bà láng giếng và họ bắt
đầu nói chuyện, và rồi đến những điều nói hành nói xấu. Bà ấy nói: ”Không,
không, tôi không thể nói xấu một ai cả”. Đó là một bước tiến về sự thánh thiện,
điều ấy giúp bạn nên thánh hơn. Rồi về nhà, đứa con xin bạn nói chuyện một chút
về những chuyện tưởng tượng. Bạn nói: ”Ba mệt lắm, hôm nay ba đã làm việc nhiều
lắm”. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn lắng nghe con, thì đó là một bước tiến đến sự
thánh thiện. Rồi đến cuối ngày ai cũng mệt, nhưng nếu bạn nói: chúng ta hãy cầu
nguyện! thì đó là một bước tiến đến sự thánh thiện. Chúa nhật, chúng ta đi lễ
và rước lễ, và thỉnh thoảng xưng tội, thanh tẩy chúng ta, đó là một bước tiến
đến sự thánh thiện! Rồi lòng kính mến Đức Mẹ, tôi đọc kinh mân côi và cầu
nguyện. Đó là một bước tiến đến sự thánh thiện.. Có bao nhiêu bước tiến nho nhỏ
để nên thánh.. Mỗi bước tiến về sự thánh thiện, làm cho chúng ta trở thành
những người tốt lành hơn, được giải thoát khỏi tính ích kẻ và thái độ khép kín
vào mình, cởi mở đối với các anh chị em và những nhu cầu của họ.
”Các bạn thân mến, trong thư thứ I của Thánh Phêrô, có lời nhắn
nhủ này được gửi đến chúng ta: ”Mỗi người hãy sống theo ơn thánh đã nhận lãnh,
dùng ơn ấy để phục vụ tha nhân, như những người quản lý tốt đối với ơn thánh đa
dạng của Thiên Chúa. Ai nói thì hãy nói với những lời của Thiên Chúa, ai thi
hành một chức vụ, thì hãy chu toàn với nghị lực đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, để
trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh nhờ Đức Giêsu Kitô” (4,10-11). Đó là lời
mời gọi nên thánh! Chúng ta hãy vui mừng đón nhận lời mời ấy và nâng đỡ nhau,
vì con đường dẫn đến sự thánh thiện chúng ta không đi một mình, mỗi người lo
cho mình, nhưng chúng ta cùng nhau tiến bước, trong một thân thể duy nhất là
Giáo Hội, được Chúa Giêsu yêu thương và làm cho trở nên thánh thiện”.
Nguồn; vi.radiovaticana.va
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét