THƯ MỤC VỤ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
TÂN PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG CÁC GIÁO
XỨ
VÀ CÁC CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐỜI THÁNH
HIẾN
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại
Tòa Giám mục giáo phận Nha Trang tham dự Hội nghị thường niên kỳ II/2014 của
Hội đồng Giám mục Việt Nam, cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều để Hội nghị
diễn ra tốt đẹp và bình an. Nay Hội nghị đã kết thúc, qua Thư Mục vụ này, chúng
tôi muốn chia sẻ với anh chị em về chương trình mục vụ của Giáo hội Việt Nam
trong năm 2015 sắp tới.
1. Trong năm vừa qua, chúng ta đã cùng nhau thực hiện
chương trình “Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình”. Qua các báo cáo mục vụ nhận được
từ các giáo phận, chúng tôi vui mừng khi thấy đã có rất nhiều nỗ lực và sáng
kiến của các giáo phận, giáo xứ, cũng như đoàn thể tông đồ, để đồng hành với
các gia đình trong việc xây dựng gia đình Công giáo thành ngôi nhà cầu nguyện,
ngôi nhà của tình yêu thương, ngôi nhà mở ra cho tình liên đới và chia sẻ.
Xin anh chị em hãy tiếp tục hướng đi tốt đẹp này, nhất là
trong khung cảnh Giáo hội toàn cầu đang hết sức quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ
gia đình, được cụ thể hóa qua Thượng Hội đồng Giám mục thế giới bàn về “Những
thách đố mục vụ cho gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hóa”. Đồng
thời, trong năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad
Gentes), chúng tôi mời anh chị em hướng đến một gia đình rộng lớn hơn,
là giáo xứ. Thật vậy, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên
Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được
Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc
Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.
Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng
đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên
cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham
dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
2. Theo mô hình lý tưởng này, trước hết, giáo xứ phải là cộng
đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là
tham dự Thánh Lễ và cử hành phụng vụ. Tại Việt Nam, cho đến nay, phần đông các
tín hữu vẫn trung thành với việc tham dự Thánh Lễ Chúa nhật và các cử hành
phụng vụ. Ước gì chúng ta ngày càng tham dự những cử hành này cách ý thức và
sống động hơn, không những để chu toàn lề luật mà còn để gặp gỡ Chúa và để Chúa
biến đổi đời sống chúng ta. Như thế, Phụng vụ sẽ trở thành nguồn lực thánh hóa
bản thân, đồng thời đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong Giáo hội
cũng như ngoài xã hội.
3. Kế đến, giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần
nghe các Tông Đồ giảng dạy”.Các Tông đồ giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và
hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế đời sống. Ngày nay các linh mục trong các
giáo xứ, những cộng sự viên của hàng giám mục, đang tiếp nối công việc của các
Tông đồ. Chúng tôi tha thiết xin anh em linh mục cố gắng chu toàn thừa tác vụ
cao quý này cách tốt nhất, bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn
bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư
nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó lời giảng của
chúng ta sẽ là lời phát xuất từ trái tim và có hy vọng chạm đến trái tim người
nghe (x. Niềm Vui Tin Mừng, số 142-154).
Liên quan đến lãnh vực này, chúng ta cũng cần quan tâm đến
việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ. Hơn bao
giờ hết, người tín hữu ngày nay cần có căn bản về giáo lý, để vững vàng và sâu
sắc trong đức tin, hơn thế nữa, còn để làm chứng cho đức tin và niềm hy vọng
Kitô giáo. Chúng tôi vui mừng khi thấy nhiều giáo lý viên giáo dân coi trọng
việc giáo dục đức tin và tích cực tham gia dạy giáo lý với tinh thần trách
nhiệm cao. Ước mong anh chị em cộng tác tích cực hơn nữa với các linh mục, đồng
thời các linh mục nên tạo điều kiện học hỏi thêm cho giáo lý viên, để tất cả
chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và
phương pháp mới.
4. Ngoài ra, giáo xứ còn là cộng đoàn “luôn luôn
hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân
với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng
tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình
đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức
phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng
ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho
muôn dân. Các thành viên Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của các
linh mục trong việc điều hành giáo xứ, vì thế các vị cần hiểu biết về trách
nhiệm và quyền hạn của mình, và cộng tác với các linh mục trong tinh thần phục
vụ để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ.
Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc
cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi
chung, như thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây một cây cầu, cùng đào một
giếng nước, dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này
chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4,30).
Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần quan tâm đặc
biệt đến anh chị em di dân. Từ hai thập niên qua, rất đông anh chị em, cách
riêng các bạn trẻ Công giáo phải rời xa gia đình và làng quê để đi học và đi
làm tại các thành phố lớn. Thực tế này không những tác động trên đời sống kinh
tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin. Nhiều giáo xứ tại
nông thôn không còn đủ nhân lực cho những sinh hoạt của cộng đoàn. Ngược lại,
nhiều giáo xứ nơi thành thị lại quá tải trong công tác mục vụ. Nhiều anh chị em
di dân cảm thấy lạc lõng ngay trong đời sống đức tin. Vì thế xin anh chị em,
cách riêng các linh mục, mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều
kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là
thành viên của gia đình giáo xứ. Như thế không những đời sống đức tin của họ
được nâng đỡ, mà họ còn trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc-Âm-hóa.
5. Anh chị em thân mến, sau khi mô tả đời sống của cộng
đoàn Kitô hữu đầu tiên, sách Công vụ viết tiếp: “Họ ca tụng Thiên Chúa và được
toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được
cứu độ” (Cv 2,47). Chính đời sống chung của cộng đoàn đã làm bừng sáng vẻ đẹp
của Phúc Âm và thu hút nhiều người đến với Hội Thánh. Cũng vậy, chúng tôi tin
rằng nếu các giáo xứ thật sự trở thành những cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp
nhất và yêu thương nhau, thì vẻ đẹp và niềm vui Phúc Âm sẽ được lan tỏa rộng
rãi và thu hút nhiều người đến với Chúa. Giờ đây, chúng tôi muốn ngỏ lời riêng
với anh em linh mục và anh chị em sống đời thánh hiến.
6. Anh em
linh mục rất thân mến,
Chúng tôi xác tín rằng việc Phúc-Âm-hóa giáo xứ phải
được bắt đầu từ chính hàng linh mục. Chúng tôi cảm ơn anh em đã tận
tụy và trung kiên với công việc phục vụ cộng đoàn được trao phó cho anh em. Tuy
nhiên chúng ta không được quyền tự mãn với những gì đã làm, nhưng phải không
ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục.
Vì thế, xin anh em nghe lại lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô, và hãy xem
đó như kim chỉ nam cho tác vụ linh mục tại giáo xứ: Cùng với hàng giám mục, các
linh mục “phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của
mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có
khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ
luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm
tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ
lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới”
(Niềm Vui Tin Mừng, số 31).
7. Với anh chị em sống đời thánh hiến, xin chia sẻ niềm
vui với anh chị em vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chọn năm 2015 là Năm
của Đời sống thánh hiến. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là cơ hội thuận lợi để
anh chị em đào sâu căn tính của mình, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi
mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (Niềm Vui Tin Mừng,
số 264). Chính trải nghiệm này thúc giục chúng ta ngày càng yêu mến Đức Kitô
nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ
Phúc-Âm-hóa cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo hội địa
phương. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì sự phong phú ơn gọi tu sĩ trong Giáo hội Việt
Nam, và hy vọng sự phong phú đó sẽ mang lại dồi dào hoa trái cho cánh đồng
truyền giáo còn mênh mông trên quê hương chúng ta.
8. Kết thúc Thư Mục vụ này, chúng ta hãy hướng nhìn lên
Đức Mẹ La Vang, Người Mẹ gần gũi và nhân hậu của Giáo hội Việt Nam. Xin Mẹ giúp
các giáo xứ và cộng đoàn chúng con nên chứng nhân cho tình hiệp thông và phục
vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và hòa bình, để niềm vui
Tin Mừng chạm đến cõi lòng của muôn người. Amen.
Làm tại Nha Trang, Lễ Các Thánh
Nam Nữ, ngày 1 tháng 11 năm 2014
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét